Hôm ấy, chuyến bay bắt đầu lúc sáu giờ tối. Mười hai giờ trưa mà trời đã hứa hẹn một buổi tiễn đưa ướt mèm. Chúng tôi dắt nhau về căn phòng trọ ọp ẹp của em, với từng bước im lặng. Im lặng của lưu luyến giống như một vạt nước sủi tăm. Có gì đó nóng rứt và lăn tăn trong dạ. Em quyết thực thi cho được niềm mơ ước nhỏ nhoi của mình: “em sẽ nấu cho anh một bữa cơm dù chẳng cao sang gì”.
Mâm cơm của người trẻ xa quê là canh rau và trứng chiên. Tôi trải đời lưu lạc, bữa đói bữa no. Cơm không cũng thấy hài lòng, nên chẳng bao giờ để ý thế nào là ngon là dở. Trời chuyển giông giữa lòng thành phố, mùi oi bức tỏa ra từ bốn bức tường, chúng tôi ngồi bên nhau cùng chén cơm đầy. Thứ cơm này tôi đã quen từ thuở nhỏ, nhưng sao lần này lại dậy hương trong lòng. Trong từng cọng rau tôi thấy có ngón tay em gầy, trong từng miếng trứng tôi thấy mắt em trìu mến. Em gắp cho tôi, tôi chậm rãi nếm từng phần hạnh phúc rồi khẽ khàng bắt gặp mắt em cười, màu tươi như con gái mới lớn. Ngoài kia trời đổ mưa!
Lần đầu tiên, tôi biết cơm trắng trứng chiên có vị kí ức. Trong ngày xa lắc, cái chảo dầu phộng của me tôi reo một tiếng xèo thật lớn, tôi bỏ con cá rô chạy theo mùi khói về nhà. Hôm nay ngồi bên em, và miếng cơm trắng, tôi có giấc mơ ngày nắng giữa âm u, tôi thấy một bữa cơm đủ đầy em bên cạnh, thấy một gia đình văng vẳng tiếng trẻ thơ. Tôi thấy trứng chiên ngon hơn bao giờ hết, và tôi thấy em đơn sơ như một bữa cợm muộn, ấm lòng mà đậm đà thơm thảo. Bên mâm cơm nóng tôi thấy đã về nhà.
Máy bay vẽ một đường cong vút giữa mây đen, cái lạnh của đêm và cô độc nhả vào tận xương. Trên chiếc phone là hình mâm cơm nóng. Bữa cơm trưa trở thành dấu ấn. Cơm trắng trứng chiên thành khát khao mãnh liệt. Tôi trở về đem theo mùi vị của thương yêu. Nhớ thơ Phạm Hữu Quang:
“Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”
Trần Thị Kim Qui
(Trích từ cuộc thi “Ký ức ẩm thực 2014″ được tổ chức bởi nhãn hàng Marvela Việt Nam)